ĂN TRỨNG GIA CẦM CÓ BỊ NHIỄM CÚM A/H5N1 HAY KHÔNG?

          Trước những thông tin đáng lo ngại về dịch cúm A/H5N1, đặc biệt theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22/02/2023 Campuchia ghi nhận 02 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 01 trường hợp đã tử vong. Trước đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tháng 01 năm 2023 đã ghi nhận 01 ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Nhiều người quyết định dừng ăn trứng và thịt gia cầm, vậy điều này có cần thiết ?

          Theo Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, bệnh cúm A/H5N1 trên gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút cúm A/H5N1 gây ra và có thể lây sang người. Bệnh có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn tiến nhanh và có thể dẫn đến tử vong, tỷ lệ tử vong trước đây lên tới 50%. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.

Vi-rút A/H5N1 thường tồn tại ở gia cầm: gà hoặc chim hoang dã. Vi-rút này có thể lây lan cho người tiếp xúc gần bằng các cơ chế cơ học qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giầy dép.., Vi-rút có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính. Vi-rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống ( nước, thực phẩm bị nhiễm virut..) .

Hiện tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa chính thức xác nhận khả năng lây truyền cúm A/H5N1 từ người sang người. Người nhiễm bệnh thải vi-rút qua nước bọt, chất nhầy và phân. Vi-rút tồn tại trong khí dung hoặc bụi khí, xâm nhập vào mắt, mũi, miệng của con người.

Hầu hết, ca nhiễm xảy ra khi con người tiếp xúc gần, kéo dài với gia cầm mắc bệnh mà không đeo găng tay, khẩu trang bảo vệ. Nguy cơ lây nhiễm phụ thuộc mức độ tiếp xúc, thời gian tiếp xúc, khoảng cách.

Vì vậy trứng gia cầm có thể lây nhiễm vi-rút từ phân hoặc dịch nhầy. Trong quá trình vận chuyển, chế biến nếu con người tiếp xúc trên bề mặt trứng có thể lây nhiễm vi rút, tuy nhiêm tỉ lệ lây nhiễm này thấp.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ăn thịt gia cầm và trứng là an toàn khi chúng được xử lý đúng cách và nấu chín kĩ. Việc xử lý và nấu chín gia cầm đúng cách ở nhiệt độ bên trong là 165 độ F (khoảng 74 độ C) sẽ giết chết vi khuẩn và vi rút bao gồm cả HPAI A(H5). Người dân chỉ không nên ăn thịt, trứng gia cầm bị bệnh, do đó loại bỏ món ăn từ trứng và gia cầm khoẻ mạnh được nấu chín là việc làm không cần thiết, mà quan trọng hơn là cách phòng bệnh.

          Chủ động phòng cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân nên thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, đeo găng tay, khẩu trang khi buộc phải tiếp xúc.

- Cách ly gia cầm có dấu hiệu bị bệnh.

- Thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm. Không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Đảm bảo ăn chín, uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

- Khi phát hiện gia cầm ốm hoặc chết phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

- Người dân cần theo dõi thường xuyên những thông tin về dịch cúm A/H5N1 và thực hiện phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Biên tập: Hằng Dung