Hiến tạng

CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH TIÊU CHẢY CẤP DO VIRUS ROTA CHO BÉ

Thứ ba - 01/04/2025 03:26
CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH TIÊU CHẢY CẤP DO VIRUS ROTA CHO BÉ
CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH TIÊU CHẢY CẤP DO VIRUS ROTA CHO BÉ
           Virus Rota là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 3 đến 24 tháng tuổi. Mỗi năm, ước tính hàng trăm nghìn trẻ phải nhập viện và hàng nghìn trẻ phải cấp cứu do virus Rota.
           Rota Virus sống bền vững trong môi trường, chúng có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Virus này vẫn có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần. Thời gian ủ bệnh từ 1-7 ngày, trung bình 2-3 ngày kể từ virus xâm nhập vào cơ thể. Thời kỳ lây truyền có thể kéo dài tới 03 tuần.
           Virus Rota có khả năng lây nhiễm cao, tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ, gây tiêu chảy nặng, mất nước và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh giúp cha mẹ có biện pháp xử lý kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.
           Dấu hiệu nhận biết:
           Khởi phát: Trẻ thường bắt đầu bằng triệu chứng nôn mửa, sốt và có thể kèm theo đau bụng.
           Tiêu chảy: Sau giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ xuất hiện tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
           Cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu mất nước sau:
           Cả ba triệu chứng trên (sốt, nôn mửa và tiêu chảy) đều dẫn đến mất nước ở trẻ. Mất nước nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được bù nước kịp thời.
           - Miệng và môi khô: Trẻ có thể có miệng và môi khô, không tiết nước bọt.
           - Khóc không có nước mắt: Trẻ khóc nhưng không có nước mắt hoặc rất ít.
           - Mắt trũng: Mắt trẻ có dấu hiệu trũng sâu, thiếu sức sống.
           - Giảm đi tiểu: Trẻ đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu trong nhiều giờ.
           - Thóp trước lõm: Ở trẻ sơ sinh, thóp trước có thể bị lõm xuống.
           - Da khô và mất đàn hồi: Khi véo nhẹ da trẻ, da mất nhiều thời gian để trở lại trạng thái ban đầu.
           - Quấy khóc, mệt mỏi: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, dễ kích động hoặc lờ đờ, buồn ngủ.
           Nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
           Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do vi-rút Rota:
           - Đảm bảo vệ sinh nguồn nước, ăn chín, uống sôi, không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín.
           - Giữ gìn vệ sinh thân thể, tạo thói quen rửa tay với xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
           - Vệ sinh dụng cụ dùng cho trẻ em ăn (đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi).
           - Vệ sinh, khử khuẩn đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, sàn nhà, khu vực vui chơi của trẻ...
           - Xử lý phân tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí hai ngăn), giữ gìn nhà vệ sinh luôn sạch sẽ. Khử khuẩn bồn cầu khi trẻ bị tiêu chảy. Không dùng phân tươi bón cây cối.
           - Uống vắc-xin Rota: Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh. Vắc-xin Rota đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng và được cung cấp miễn phí tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Tác giả: TTYT Bình Liêu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây