Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa lễ hội
Vào mùa lễ hội tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đình,... là nơi thu hút một lượng lớn du khách tham quan, vãn cảnh. Đây cũng chính là dịp các dịch vụ ăn uống nở rộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nguồn ảnh: @vietnamplus
Đi kèm theo lễ hội là những dịch vụ ăn uống rất đa dạng, thuận tiện cho khách tham gia lễ hội, đi du xuân như bún riêu, cháo, mì, cơm, phở, bánh, xôi, nước giải khát, hoa quả trái cây… rất nhiều loại đồ ăn thức uống khác nhau. Có loại làm sẵn, có loại chế biến ăn tại chỗ muôn màu muôn vẻ. Các lễ hội thường tổ chức ở ngoài trời nên dịch vụ ăn uống cũng mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi bố trí ngay ở đường đi, lối lại, môi trường thường bị ô nhiễm do gió bụi, mưa nắng, ruồi, chuột… làm cho thực phẩm cũng dễ bị ô nhiễm; người bán hàng, chế biến thực phẩm thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm; lực lượng người đi lại, ăn uống đông đúc, dồn dập dễ tạo ra sự lây nhiễm vào thức ăn cũng như sự phục vụ cẩu thả, dụng cụ ăn uống không được rửa sạch nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây qua thực phẩm do dịch vụ ăn uống là rất lớn.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách, người dân đi lễ hội trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế Bình Liêu đưa ra khuyến cáo như sau:
*Đối với người tiêu dùng thực phẩm:
1. Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.
2. Nấu chín kĩ thức ăn: Nấu chín kĩ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kĩ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kĩ lại.
6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn: Nếu tay có vết thương hãy băng kĩ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
Đối với người kinh doanh thực phẩm:
Bố trí ở địa điểm cố định; thiết kế có nơi bán hàng, nơi chế biến thức ăn, nơi rửa tay.
Nơi chế biến thức ăn, đồ uống; nơi ăn uống phải sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bầy bán gia súc, gia cầm); khu vực trưng bày ngăn thức ăn cách giữa thực phẩm sống và thức ăn chín.
Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ số lượng nước sạch để chế biến thức ăn và vệ sinh dụng cụ, cơ sở; nguồn nước phải được định kỳ kiểm nghiệm ít nhất 1 năm/lần; có đủ nước đá sạch theo quy định dùng để pha chế đồ uống.
Đồng thời cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ dụng cụ chế biến, dụng cụ chia thức ăn, đồ chứa đựng và dụng cụ ăn uống bảo đảm vệ sinh; không được sử dụng tay trực tiếp để bốc, chia thức ăn chín; bao gói thức ăn phải sạch, chỉ dùng các loại chuyên cho thực phẩm.
Chủ cơ sở hoặc người quản lý và người chế biến thức ăn phải khám sức khoẻ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế và định kỳ ít nhất một lần/năm. Khám sức khoẻ, xét nghiệm do các cơ quan y tế từ cấp huyện và tương đương trở lên thực hiện; người đang mắc các bệnh, chứng bệnh thuộc danh mục đã được Bộ Y tế quy định không được tham gia trực tiếp chế biến thức ăn. Bên cạnh đó, người chế biến thức ăn, bán hàng phải có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định.
Đối với người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, thức ăn chín phải mặc quần áo bảo hộ, mũ chụp tóc, tháo bỏ vòng, nhẫn, đồng hồ và cắt ngắn móng tay.
Đối với nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc an toàn; thực phẩm bao gói sẵn phải có đầy đủ nhãn theo quy định; không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm quá hạn; phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.
Các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ hướng dẫn thức ăn chín phải được bày bán trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản, che đậy hợp vệ sinh, chống được ruồi, nhặng, bụi bẩn, mưa, nắng và côn trùng, động vật gây hại khác.
Không được bán thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; Cơ sở kinh doanh phải có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống không gây ô nhiễm môi trường
Mùa xuân là mùa của lễ hội. Để tránh xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì ngoài sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm, mỗi người dân, mỗi du khách cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành nhà tiêu dùng thông thái, thực hiện tốt nguyên tắc mua sắm thông minh, ăn uống hợp lý./.