Cách nào để phòng tránh vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm?

Liên quan tới thông tin ngày 14/3/2024 về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh trên đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm nhiều người có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt. Đến nay cơ quan chức năng đã xét nghiệm 02 trường hợp dương tính với vi khuẩn Salmonella - tác nhân chính gây nhiễm khuẩn đường ruột.

Vậy để tìm hiểu rõ vi khuẩn Salmonella gây bệnh như thế nào? Chúng ta cần tìm hiểu kỹ những nguyên nhân sau:

1. Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ - 6 ngày.

2. Về nguồn nhiễm, có thể từ thịt sống, thịt gia cầm và hải sản: Phân có thể dính vào thịt gia cầm trong quá trình giết mổ, hải sản cũng có thể chứa nguồn lây khi sống trong môi trường nước ô nhiễm.

3. Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella. Trong khi đó, quá trình thanh trùng có thể loại bỏ vi khuẩn có hại, bao gồm cả Salmonella.

4. Trái cây và rau củ: Rau củ quả tươi, đặc biệt là giống nhập khẩu có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước.

5. Trứng sống hoặc nấu chưa chín: Mặc dù lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong khỏi sự nhiễm bẩn nhưng gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa vi khuẩn Salmonella (tồn tại trước khi vỏ được hình thành). Đây chính là nguồn lây khi con người ăn phải.

6. Thực phẩm xử lý không đúng cách: Nhiều loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella bởi quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, chủ yếu là do không rửa tay kỹ trước khi thực hiện.

Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu khuyến cáo để phòng ngừa nhiễm khuẩn Salmonella, người dân cần thực hiện các biện pháp như:

- Rửa tay thật kỹ, đây là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây lan các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột.

- Nấu kỹ tất cả các loại thịt, đặc biệt là thịt gia cầm.

- Không ăn trứng sống hoặc nấu chưa chín.

- Chỉ uống sữa tiệt trùng.

- Rã đông thịt và gia cầm trong tủ lạnh thay vì ở nhiệt độ phòng.

- Cho thức ăn vào tủ lạnh ngay sau khi dùng.

- Rửa thớt và kệ bếp dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ, chạm vào động vật và trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn.

- Không để các loài bò sát vào những nơi cho trẻ nhỏ ăn hoặc tắm.

- Không cho các loài bò sát và lưỡng cư vào trong nhà có trẻ dưới 5 tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.

- Không bơi ở bể bơi hoặc hồ nếu bị tiêu chảy.