Những điều cần biết về Vitamin A và cách bổ sung hợp lý

Vitamin A là một vi chất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, đặc biệt là trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Khi thiếu vitamin A sẽ làm cho trẻ chậm lớn, mắc các bệnh nhiễm trùng, thiếu vitamin A nặng sẽ gây khô mắt, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mù vĩnh viễn.

Ngày 30/5/2023, Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu đã ban hành Kế hoạch  triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 năm 2023. Từ ngày 01-02/6/2023, các bậc phụ huynh hãy đưa trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi đến các Trạm Y tế xã, thị trấn để uống vitamin A dự phòng.

Vitamin A tồn tại trong tự nhiên gồm 2 dạng. Thứ nhất là: dạng hoạt động của vitamin A, được đồng hoá trực tiếp bởi cơ thể. Thứ hai là tiền vitamin A, được biết đến nhiều dưới tên bêta-caroten. Tiền chất này được chuyển hoá thành vitamin A để cơ thể sử dụng.

Cơ thể khi thiếu vitamin A sẽ bị giảm sút thị lực vào buổi tối, hay còn gọi là bị quáng gà. Nếu không bổ sung vitamin A kịp thời sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: khô da, rụng tóc, gãy móng tay... Tình trạng thiếu hụt vitamin A kéo dài sẽ dẫn đến mất hẳn thị giác, bội nhiễm trầm trọng đường hô hấp do niêm mạc khí quản bị khô tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin A là do:

- Chế độ dinh dưỡng: Cơ thể không tự tổng hợp được vitamin A mà phải lấy từ thức ăn, vì vậy nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn nghèo vitamin A và beta-caroten. Nếu bữa ăn đủ vitamin A nhưng lại thiếu đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hoá vitamin A.

- Nhiễm khuẩn: Trẻ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy và nhiễm giun đũa... sẽ gây thiếu vitamin A.

Suy dinh dưỡng: Sẽ kéo theo thiếu vitamin A vì cơ thể thiếu đạm để chuyển hoá vitamin A.

Thiếu vitamin A sẽ dẫn tới mù loà, trẻ chậm phát triển... nhưng thừa vitamin A cũng rất nguy hiểm vì vitamin A được tích trữ lâu dài trong cơ thể, nếu lạm dụng vitamin A có thể đưa đến tình trạng nhiễm độc với triệu chứng tổn thương ngoài da, bong da toàn thân, viêm khớp, viêm gan...

Để phòng thiếu vitamin A cho trẻ, các bà mẹ cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ vì sữa mẹ là nguồn cung cấp vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, giải pháp cơ bản là cải thiện bữa ăn, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và vitamin A có trong các loại thức ăn có nguồn gốc động vật như gan, thịt gà, chất béo từ thịt, trứng, sữa, kem, bơ… Bữa ăn của trẻ cần có đủ dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt vitaminA. Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A như các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ như: cà rốt, rau dền, đu đủ chín, cà chua, gấc…; các loại rau màu xanh sẫm; dầu cọ và các loại dầu ăn khác. Khi vào cơ thể tiền Vitamin A sẽ được chuyển thành Vitamin A.

Ngoài ra, bổ sung Vitamin A liều cao là một trong những giải pháp phòng thiếu Vitamin A ở trẻ. Trẻ từ 6 - 36 tháng được uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao 6 tháng/1 lần tại các Trạm Y tế xã, thị trấn theo liều uống sau:

- Trẻ 6 đến 11 tháng tuổi: Uống 100.000 đơn vị.

- Trẻ 12 đến 36 tháng tuổi: Uống 200.000 đơn vị.

Để phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ, cần:

- Ăn uống đủ chất: Thời kỳ mang thai và cho con bú bà mẹ cần ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, caroten, đạm, dầu mỡ. Khi trẻ ăn bổ sung, bữa ăn cần có đầy đủ chất dinh dưỡng và chú ý tới các thực phẩm giàu vitamin A.

- Bổ sung vitamin A dự phòng. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A phải tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, vì nếu dùng không đúng liều sẽ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu hoá, gây mất tổ chức xương và có nguy cơ tăng lượng cholesterol xấu.