Nhằm nâng cao nhận thức, chung tay phòng ngừa, đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai giống nòi.

Tan máu bẩm sinh (Thalassemia)là một bệnh lý về máu, cơ chế hình thành bệnh do mang gen di truyền lặn trên nhiễm sắc thể, gặp phổ biến tại cộng đồng.

Theo báo cáo của TS. Bạch Quốc Khánh,Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương, đăng trên Tạp chí Y khoa năm 2019: “Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số có mang gen bệnh Thalassemia, trong đó người dân tộc ít người chiếm tỷ lệ khá cao (có tới 20% đến 40% mang gen bệnh), mà một trong những nguyên nhân chính là do kết hôn cận huyết thống. Mỗi năm, trên cả nước, ước tính có khoảng hơn 10.000 trẻ sinh ra bị mắc bệnh Thalassemia, trong đó có khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng, phải can thiệp điều trị”.

Với những biểu hiện chính là vừa thiếu máu vừa thừa sắt, người mắc bệnh tan máu bẩm sinh cần phải được truyền máu và dùng thuốc thải sắt kéo dài, suốt đời. Nếu không điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng của bệnh, như chậm phát triển, kèm theo nhiều bệnh lý thứ phát, giảm sức học tập, lao động, chất lượng cuộc sống của người bệnh rất thấp, tỷ lệ tử vong cao…Hiện nay, việc điều trị chỉ mới giúp cải thiện cuộc sống, chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh. Nếu không kiểm soát, phòng ngừa, số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, làm quá tải các cơ sở y tế, gây khó khăn cho các ngân hàng máu và tăng gánh nặng chi phí xã hội.

          Tuy bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế và tương lai giống nòi, nhưng lại có thể phòng tránh được qua việc xét nghiệm tầm soát sớm trước khi sinh. Với các biện pháp thăm khám,tư vấn, xét nghiệm trước hôn nhân, người ta khuyên các cặp vợ chồng chuẩn bị có thai hoặc đang mang thai, đặc biệt là các gia đình đã có người bệnh Thalassemia nên đến với cơ sở y tế để tư vấn và chẩn đoán sớm. Sàng lọc phát hiện bệnh sớm cho thai nhi bằng các xét nghiệm tầm soát và chẩn đoán gen đột biến trong thời thai kỳ, từ đó có kế hoạch chăm sóc sức khỏe và dự phòng bệnh phù hợp. Đây là biện pháp có hiệu quả và chi phí thấp. Nếu cả vợ và chồng đã kết hôn đều mang gen, nên được các bác sĩ tư vấn trước khi có thai để có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh, không mang gen bệnh.

Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh có thể phòng tránh được.

Do vậy, người dân, đặc biệt là nam nữ thanh niên nên và cần tìm hiểu nhiều hơn các thông tin về bệnh, nên sử dụng biện pháp thăm khám sức khỏe, tư vấn, xét nghiệm trước hôn nhân và trước sinh, để tầm soát gen bệnh từ sớm và được tư vấn, áp dụng các biện pháp chăm sóc sức khỏe đúng đắn, khoa học và phù hợp, nhằm hạn chế nguy cơ sinh ra những trẻ em mang gen bệnh lý hoặc trẻ bị bệnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số.

Nhân ngày Thalassemia thế giới 08/5/2024, với mong muốn truyền đi một thông điệp là: Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt” và cũng là chủ đề truyền thông của ngày Thalassemia năm 2024.

Đối với địa bàn  huyện Bình Liêu, Các nam nữ thanh niên trước khi kết hôn hãy đến trạm y tế để khám sức khoẻ tiền hôn nhân, nếu muốm được tư vấn kỹ hơn và được xét nghiệm, mọi người hãy đến  Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Trung tâm Y tế huyện với đội ngũ Bác sĩ được đào tạo chuyên ngành và dày dạn kinh nghiệm, có thể thăm khám, tư vấn, xét nghiệm trươc khi kết hôn và trước sinh nhằm phát hiện và chẩn đoán sớm gen bệnh… Chúng tôi hy vọng, sẽ tiếp tục được đồng hành ,đóng góp công sức, tâm huyết của mình, để nâng cao nhận thức, kiến thức và thực hành của người dân, hỗ trợ sàng lọc, xác định được những người mang gen bệnh và cùng chung tay phòng ngừa, đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia)trong cộng đồng./.