KHÔNG CHỦ QUAN VỚI BỆNH BẠCH HẦU

Bệnh Bạch hầu từng được ví là cơn ác mộng của con người trong lịch sử, Bạch hầu gây nhiều đợt dịch khiến hàng nghìn người tử vong trên thế giới, nhất là trẻ em. Từ đầu năm 2023 đến nay, khu vực miền Bắc ghi nhận nhiều ổ dịch bạch hầu tại các tỉnh Điện Biên (01 ca tử vong), Hà Giang (03 ca tử vong), Thái Nguyên (01 ca tử vong).

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh bạch hầu như trên, ngày 18/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. 

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Trực khuẩn bạch hầu sống rất lâu trong giả mạc và trong họng của những bệnh nhân đang ở thời kỳ lại sức. Vi khuẩn bạch hầu có thể sống đến vài tháng trên đồ chơi của trẻ em bị bệnh bạch hầu, trên áo choàng của nhân viên y tế hay trong các buồng bệnh điều trị bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch.

Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh bạch hầu là viêm họng, viêm mũi, sốt, viêm thanh quản ngoài ra còn khiến da xanh, mệt mỏi nổi hạch ở dưới hàm, có giả mạc. Vi khuẩn bạch hầu sẽ tạo lớp màng giả màu trắng do các lớp tế boà bị viêm tạp ra lớp màng bám vào trong vòm họng. nếu không điều trị thì màng bám sẽ lan ra và lấp đường hô hấp gây ngạt thở cho người bệnh.

Khi bệnh tiến triển sẽ có thêm các triệu chứng như khó nuốt, khó thở, nhiều trẻ biểu hiện nặng với da xanh, nhịp tim rối loạn, liệt thần kinh. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ timviêm dây thần kinh. Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em.

Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Tại Việt Nam, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ do đó người dân có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vacxin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng bệnh hiệu quả là nên cho trẻ tiêm vacxin phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng. Ngoài ra, giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, không đi đến các vùng có ổ dịch, cũng là cách để phòng tránh bệnh bạch hầu. Khi phát hiện ổ dịch cần khoanh vùng và cách ly để tránh lây nhiễm.